Sau năm 2015 sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa

Thứ bảy, ngày 28 tháng 9 năm 2013 | 22:31
Share

39 Shares

Song song với việc xây dựng Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo..., Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu để đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015. Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT), thường trực ban soạn thảo đề án cho biết, so với chương trình và sách giáo khoa hiện hành, định hướng xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 có hàng loạt điểm mới.

Một thay đổi quan trọng là ban soạn thảo sẽ cập nhật xu thế quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông. Đó là cách xây dựng mở, đa dạng hóa sách giáo khoa, tài liệu dạy học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) nhằm đổi mới phương pháp và cải thiện hiệu quả dạy học.

Chương trình hiện hành tiếp cận theo hướng nội dung, chạy theo khối lượng kiến thức, đảm bảo 3 phương diện kiến thức, kỹ năng và thái độ nhưng vẫn là những yêu cầu rời rạc. Còn chương trình mới sẽ theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học; không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, động cơ... vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày.

sach.jpg
Theo dự thảo, sách giáo khoa sau năm 2015 sẽ rất đa dạng.

Nội dung, cấu trúc của chương trình giáo dục đổi mới sẽ ưu tiên những kiến thức cơ bản, hiện đại nhưng gắn bó, thiết thực với những đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày, tránh hàn lâm, kinh viện, ưu tiên thực hành, vận dụng, tránh lý thuyết suông, tăng cường hứng thú, hạn chế quá tải.

"Điều này sẽ tránh được tình trạng học sinh biết rất nhiều nhưng không vận dụng được bao nhiêu hay biết những điều rất cao siêu, nhưng không làm được những việc rất thiết thực đơn giản trong cuộc sống thường nhật”, ông Nhị nói.

Mục tiêu giáo dục mới tiếp tục những định hướng đúng đắn nhưng sẽ điều chỉnh, khắc phục hạn chế “nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người”, đảm bảo phát triển toàn diện và phát huy tối đa tiềm năng của mỗi học sinh. Chương trình tăng cường lồng ghép kỹ năng sống, đạo đức nhằm giúp học sinh phát triển hài hòa con người cá nhân và con người xã hội, coi trọng giáo dục phẩm chất và năng lực của người học.

Chương trình hiện hành được cắt khúc, tách rời ra 3 cấp, sự trùng lặp xuất hiện khá nhiều trong một môn học cũng như giữa các môn học, dù năm 2006 đã được đổi mới. "Vừa thừa, vừa thiếu là một hạn chế lớn của chương trình hiện hành", thường trực ban soạn thảo đề án đổi mới toàn diện giáo dục nói và khẳng định, chương trình mới sẽ được thiết kế thành một hệ thống xuyên suốt và nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12 để thấy được sự phát triển rõ từ thấp đến cao, bổ sung những nội dung mới do cuộc sống yêu cầu, bớt trùng lặp, góp phần hạn chế quá tải.

Chương trình mới chủ trương tất cả học chung một mặt bằng tri thức (không phân ban), giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1- lớp 9) đủ trang bị nền tảng học vấn phổ thông để học sinh có thể học tiếp lên bậc cao hơn hoặc đi vào học nghề, lao động. Một số môn học như Lý, Hóa, Sinh được tích hợp thành môn Khoa học, các môn Sử, Địa, Giáo dục Đạo đức và công dân tích hợp thành môn Khoa học xã hội.

Yêu cầu phân hóa sâu được thực hiện ở trung học phổ thông bằng việc học ít các môn bắt buộc, dành nhiều thời gian cho học sinh tự chọn các môn học, các chủ đề chuyên sâu (nâng cao) gắn với nghề nghiệp, cần cho định hướng nghề nghiệp.

"Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau 2015 sẽ gặp không ít khó khăn như đội ngũ xây dựng và phát triển chương trình, sách giáo khoa yếu, điều kiện vật chất có nhiều khó khăn, nhiều giáo viên không đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, chất lượng và trình độ quản lý giáo dục còn nhiều hạn chế...", ông Nhị lo ngại.

Trước đó, trao đổi với VnExpress, nhiều chuyên gia giáo dục đã đề xuất ý kiến về việc đổi mới chương trình sách giáo khoa. PGS Văn Như Cương cho rằng chương trình hiện hành nặng ở chỗ kiến thức thì nhiều mà thời lượng thì ít. Theo đó, nên cắt khoảng 1/3 chương trình hiện có, bỏ bớt các bài, các chương không cần thiết.

Còn GS Nguyễn Lân Dũng thì cho rằng, Bộ GD&ĐT nên dựa vào các Hội khoa học chuyên ngành, cung cấp các tài liệu sách giáo khoa ở những nước phát triển, nước có điều kiện gần với Việt Nam để biên soạn sách giáo khoa. Như vậy vừa đảm bảo không quá chênh lệch so với các nước, vừa phù hợp với trình độ học sinh và sách dùng được lâu năm.

Ông Dũng kiến nghị, việc in sách giáo khoa nên để cho từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản làm. Còn việc lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy, để học là tùy thầy cô và học sinh.

 

Hoàng Thùy

 

 

 


Ý kiến bạn đọc