Buổi khai mạc này có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cùng với các ban ngành liên quan. Ban giám khảo cuộc thi là các thầy cô, các nhà khoa học ở địa bàn Hà Nội.
55 đề tài tham dự cuộc thi cấp thành phố là những đề tài tiêu biểu nhất được lựa chọn từ 88 đề tài đã dự thi ở cấp cụm trường. Cuộc thi diễn ra trong hai ngày 22 và 23/2. Những đề tài xuất sắc nhất sẽ được chọn tham dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức vào cuối tháng 3/2013. Các đề tài dự thi của học sinh Hà Nội khá phong phú và có chất lượng hơn so với năm trước. Các đề tài tập trung giải quyết vấn đề nóng của xã hội hiện nay đó là nguồn nước, biến đổi khí hậu, năng lượng mới. Một số HS mạnh dạn đưa ra các đề tài nghiên cứu liên quan đến vấn đề xã hội như bạo lực học đường, giảm căng thẳng khi thi cử...
Ảnh khai mạc cuộc thi- trường THPT Kim Liên với bức tranh Hoa sen ( hàng thứ hai bên trái)
Trong số 23 trường tham dự thì THPT Chu Văn An và chuyên Nguyễn Huệ dẫn đầu số đề tài tham dự, kế tiếp là Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Kim Liên… Đáng chú ý là một số trường ở ngoại thành Hà Nội cũng mạnh dạn tham dự như THPT Vân Tảo, Thạch Thất…
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Nghiên cứu khoa học là một hoạt động mới của học sinh Việt Nam bắt đầu từ năm 2009. Mặc dù mới tham dự sân chơi quốc tế nhưng năm 2012 Việt Nam đã giành được giải Nhất ở cuộc thi quốc tế”.
Ngay sau phần khai mạc, Ban giám khảo đã thị sát để chấm và đánh giá các đề tài tham dự. Điểm đặc biệt ở lần thi thứ 2 này là Hà Nội cố gắng tổ chức toàn bộ các khâu giống như ở kì thi quốc tế thể hiện bằng cách bố trí các gian hàng, người tham quan có thể “chất vấn” chủ nhân các đề tài tại chỗ… Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng tiến hành “vặn” học sinh bằng tiếng Anh để tăng khả năng giao tiếp của các em.
Học sinh thuyết trình đề tài để "thuyết phục" những người tham quan gian hàng.
Ban giám khảo "chất vấn" chủ nhân các đề tài.
Sau khi xem qua các đề tài của HS Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: “Năm nay các đề tài phong phú hơn, nhiều vấn đề nóng của xã hội đã được các em đặt ra vấn đề giải quyết. Đây là một tín hiệu mừng đối với cấp học phổ thông. Hiện nay đã có 24 Sở GD-ĐT địa phương đăng ký để tham dự kì thi cấp quốc gia được tổ chức vào cuối tháng 3 tới. Qua đây cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học ở phổ thông đã thực sự thu hút được các em”.
Sau gần hai ngày làm việc căng thẳng, chiều 23/2, Sở GD-ĐT đã tổng kết đánh giá và trao giải cho các đội xuất sắc. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh: “Dù có kết quả như thế nào thì cuộc thi cũng đã tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các em HS thủ đô. Thông qua cuộc thi các em có thể giao lưu, học hỏi, bổ sung kiến thức cho nhau. Bên cạnh đó, các em ý thức được hơn đối với các vấn đề nóng của xã hội hiện nay như khí hậu, môi trường, xử lý rác thải…”.
Sở GD-ĐT cũng cho hay, ngoài các đề tài do nhóm HS nghiên cứu thì có những đề tài chỉ có một em đảm nhiệm. Qua đó cho thấy sự tự tin và khả năng nghiên cứu độc lập của HS thủ đô.
Trong 55 đề tài dự thi Ban giám khoa đã quyết định chọn ra 6 giải Nhất ứng với 6 lĩnh vực theo tiêu chí cuộc thi. Bên cạnh đó Ban giám khảo cũng đánh giá chọn ra các đề tài xuất sắc toàn cuộc thể trao giải.
Trường Kim Liên được bằng khen tập thể xuất sắc, với giải Nhất thuộc Đề tài Bạo lực học đường - Thực trạng và giải pháp (lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi), giải Nhì ( không có giải Nhất ) thuộc về Đề tài Giải pháp tiết kiệm điện năng cho trường học tại Việt Nam ( lĩnh vực Khoa học máy tính).
Nhóm GDCD Trường THPT Kim Liên giành giải Nhất lĩnh vực Xã hội - hành vi
Nhóm Tin học Trường THPT Kim Liên giành giải Nhì ( không có giải Nhất) lĩnh vực Khoa học máy tính