Vụ canh gà Thọ Xương: Ngẫm nghĩ về những người thầy ngồi nhầm chỗ

Thứ sáu, ngày 26 tháng 10 năm 2012 | 18:3
Share

39 Shares

Từ chuyện “canh gà Thọ Xương”

Ngày còn học Đại học, chúng tôi có nghe một câu chuyện liên quan đến bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà như sau: Có người nước ngoài học tiếng Việt đã dịch bài ca dao ra tiếng nước ngoài, sau đó một người nước ngoài khác lại dịch sang tiếng Việt. Từ Trấn Vũ được hiểu là ngăn mưa, từ Thọ Xương được hiểu là hóc xương. Cuối cùng câu ca dao được diễn tả như sau: “Ngăn mưa bằng một tiếng chuông, Canh gà húp vội hóc xương mấy lần”. Lại thêm câu chuyện tương tự về một thầy giáo thời thuộc Pháp làm luận án tiến sĩ về ca dao, dân ca Việt Nam, khi dịch bài ca dao này sang tiếng Pháp ông nhờ viên quan Thống sứ người Pháp giỏi tiếng Việt sửa giúp. Sau khi có bản dịch, thầy giáo ấy cẩn thận nhờ người Việt giỏi tiếng Pháp dịch lại sang tiếng Việt. Bản dịch thứ hai như sau: “Roi tre vun vút tung ra/Lạc đà cùng với lũ la chạy dài/Vợ trời giáng một hồi chuông/Gọi về ăn bát canh xương gà tần”. Không rõ cô giáo nọ có từng nghe câu chuyện ấy rồi kể lại cho học sinh của mình nghe hay không mà lại có chuyện nhầm lẫn “ngớ ngẩn” cười ra nước mắt đến vậy!

Chuyện “canh gà Thọ Xương” không phải hiếm trong việc dạy - học Văn trong nhà trường phổ thông hiện nay. Đó là tiếng chuông báo động không biết lần thứ bao nhiêu về thực trạng giáo dục hiện nay ở nước ta. Không thể chỉ trách và đổ trách nhiệm hoàn toàn cho cô giáo nọ. Cô cũng chỉ là kết quả của nhiều lần cải cách mà càng về sau này, học sinh chỉ càng thực dụng hơn, chỉ lo những môn học sẽ thi vào đại học, phụ huynh chú trọng cho con em mình học các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ... đang ăn sâu vào thói quen và trở thành điều rất bình thường trong xã hội.
Có một chuyện rất khôi hài diễn ra trong game show “Ai là triệu phú” trên kênh VTV3, một giảng viên đại học môn Ngữ văn trả lời rằng không hề biết nhóm Tự Lực Văn Đoàn và tên của nhà văn Nhất Linh lại gợi cho cô sự liên tưởng đến hai nghệ sĩ cải lương là Vũ Linh và Tài Linh... Những người thầy “ngồi nhầm chỗ” như vậy có lẽ cũng nên xem là “thảm họa giáo dục” và họ đã góp phần khiến nền giáo dục sa sút trầm trọng.

Văn học hay nghệ thuật đều là những bộ môn “không thể cưỡng bức” bằng tuyên truyền hay nước mắt, một môn học không thể cưỡng cầu mà để nó tự chảy theo dòng cảm xúc. Dù sách giáo khoa có rất nhiều tác phẩm hay nhưng chính cách dạy nặng nề, cưỡng ép tạo nên không khí ảm đạm cho giờ học Văn. Phần nữa, trên thực tế các nhà biên soạn sách đã làm mất cân đối giữa dung lượng kiến thức với phân bố thời gian trong một tiết học. Có quá nhiều tác phẩm, tác giả, tác phẩm trung đại mấy chục chú dẫn, rất nhiều từ cổ khó hiểu, để đọc trơn tru tác phẩm đã mất hết tiết học thì làm sao có thể phân tích, cảm thụ cái hay, cái đẹp của văn bản? Vì thế mới có chuyện cách đây vài năm có đề thi như sau: “Em hãy giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", một em học sinh đã viết thẳng thừng rằng: “Em không thích tác phẩm này vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu. Em đọc xong mà không hề có một chút xúc động hay xót thương, như vậy là lỗi tại em hay tại nhà văn không truyền tải được đến người đọc?”... (Nguyễn Phi Thanh, lớp 11A8 Trường THPT Việt Đức - kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên Hà Nội năm học 2003-2004). Sự kiện ấy xôn xao dư luận một dạo và treo câu hỏi: trong nhà trường phổ thông, môn Văn được dạy và học như thế nào?
Vâng, trong nhà trường phổ thông môn Văn dạy và học như thế nào khiến nhà trường phải đau đầu vì những bài văn lạ kiểu: “Các vị La Hán chùa Tây Phương cử chỉ hình dáng như đang copy bài: mặt cúi mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau, quay theo tám hướng”, hay “Hai vợ chồng gặp nhau, vui mừng như vừa hack được 100K Vcoin liền xin Long Vương cho đăng ký hộ khẩu thường trú tại thủy cung & xin được cấp sổ đỏ. Họ mở một cửa hàng internet quy mô nhỏ & bán kèm các loại thẻ như: VLTK” (Bùi Minh Thu, học sinh lớp 10G5 Trường Marie Curie)... Những chuyện buồn lòng ấy không phải là tất cả...!

Có phải chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”?
Nghề dạy học rất cần phẩm hạnh và sự mô phạm nhưng đây đó vẫn còn những chuyện “bất nhân” từ chính cái nơi người thầy sẽ dạy lũ trẻ “thành nhân”: Hiện tượng cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo gạ tình đổi điểm, bán đề thi, bán bài giải trong kỳ thi tốt nghiệp, dùng nhiều mánh khóe bắt học sinh học thêm, lên lớp dạy sai kiến thức... Những chuyện xấu ấy khiến xã hội giận dữ, lên án mạnh mẽ. Nhưng liệu có phải đó mới chính là “bộ mặt thật” của giáo dục? Hãy nghe ý kiến của những người trong cuộc, những giáo viên dạy văn:
“Văn học là một môn khó dạy bởi người giáo viên còn phải vào vai người nghệ sĩ để rung những sợi dây cảm xúc trong lòng các em. Hơn ba mươi năm dạy văn, bất cứ giờ dạy nào tôi cũng xem bài rất kỹ, đọc thêm nhiều sách, dù tác phẩm ấy tôi dạy không biết bao nhiêu lần. Tôi soạn giáo án rất thủ công, thậm chí tôi còn không biết dùng máy vi tính. Bốn mươi lăm phút dành cho sửa bài không bao giờ đủ cho những sai sót các em phạm phải. Điều đáng sợ nhất trong một tiết dạy Văn là sự nhàm chán và chai lì cảm xúc. Một thực tế đang diễn ra là các em ít mặn mà với môn Văn. Có em nói là chẳng cảm thấy môn Văn hay ở chỗ nào. Điều đó ít nhiều phụ thuộc vào người dạy. Nhiều thầy cô quên đặc trưng bộ môn, áp dụng đổi mới phương pháp một cách máy móc quanh quẩn chỉ vấn đáp rời rạc. Giáo viên buông xuôi theo sách giáo khoa, bằng lòng với sách giáo viên, ỷ lại, không nghiên cứu thêm tài liệu, bài dạy ngày càng sáo mòn. Đừng trách học sinh không thích học Văn mà hãy suy nghĩ sao chúng ta dạy Văn dở quá, học trò chẳng thể yêu thích môn này” - Cô Lê Thị Thu Hương (giáo viên Trường THPT Đạ Huoai - Lâm Đồng) tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Hiệp (giáo viên Trường Tiểu học Bích Động - Việt Yên, Bắc Giang) chia sẻ: “Chuyện về câu ca dao “canh gà Thọ Xương” tôi nghĩ chỉ là một sự cố ngoài ý muốn. Nếu cô giáo chuyên tâm hơn, đọc kỹ hơn để chấm đúng hơn thì không có chuyện như vậy. Nhưng không thể vin vào đó rồi thất vọng cả một nền giáo dục và kết án giáo viên dạy Văn được. Bản thân tôi cùng các đồng nghiệp luôn uốn nắn cách dùng từ, đặt câu chuẩn xác rồi cách viết chữ, trình bày sạch đẹp cho học sinh ngay từ những bước đầu tiên. Môn Văn thiên về cảm xúc nên phần lớn giáo viên Văn cũng có tâm hồn bay bổng, cư xử tinh tế. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ cô giáo dạy Văn của mình hồi cấp hai. Dường như cô là một người sinh ra để làm một cô giáo dạy Văn, một người truyền được nguồn cảm xúc chân thành cho người khác. Cô giảng rất say mê, ngọt ngào. Cô không bắt chúng tôi phải học thế này, phải viết thế kia mà để mỗi người có những cảm nhận, quan điểm riêng rồi cùng tìm ra ý kiến chung nhất. Tại sao chúng ta không tin tưởng ngành giáo dục còn rất nhiều giáo viên như thế mà chỉ một hai giáo viên như cô H.T.T.T đã vội thất vọng cả một nền giáo dục với hàng trăm ngàn giáo viên?”.
Thầy Phạm Xuân Thành (giáo viên Trường THCS Cái Đôi Vàm - Phú Tân, Cà Mau, đã về hưu) bày tỏ: “Tôi nghĩ chuyện cô giáo H.T.T.T chưa hẳn đáng buồn như dư luận đánh giá. Đó chỉ là một sự cố đáng tiếc, một tai nạn nghề nghiệp mà bất cứ ai trong nghề cũng có thể mắc phải. Có lẽ xã hội đã quá khắt khe... Còn rất nhiều giáo viên Văn tâm huyết với nghề, họ vừa là thầy nhưng cũng vừa là người bạn tri kỷ thấu hiểu học sinh của mình. Chúng tôi không chỉ dạy bằng giáo án chuẩn kiến thức mà còn dạy bằng giáo án cuộc sống cho các em nữa”.

Cú sốc “món canh gà Thọ Xương” làm đậm nét hơn thực trạng đáng buồn của giáo dục và chất lượng đội ngũ giáo viên. Chấn hưng nền giáo dục là điều cần thiết và cấp bách thay vì lên án, tố cáo và thất vọng. Người viết xin mượn lời của thầy giáo Phạm Văn Vũ (giáo viên dạy Văn ở Trường THPT Định  Hóa, Thái Nguyên) để kết thúc bài viết này: “Thôi thì trong khi chưa thể thay đổi hoàn cảnh, chúng ta hãy làm chủ hoàn cảnh. Thầy muốn được thấy các em học tập một cách hứng thú, vui vẻ, và hãy tin rằng, bất kỳ một kiến thức nào đã được giảng dạy trong nhà trường cũng đều có ý nghĩa nhất định với các em trong cuộc sống sau này”.

Nguyễn Thị Việt Hà

Ý kiến bạn đọc