Hà Nội tuyên dương, khen thưởng điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu

Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2013 | 9:52
Share

39 Shares

 Xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội

Phát biểu trước hơn 700 nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, các nhà giáo đại diện cho các đơn vị điển hình tiên tiến của Thủ đô, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã chúc mừng những thành tích của ngành GD&ĐT Thủ đô đạt được trong năm học 2012 – 2013 và cảm ơn sự đóng góp của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh cho sự nghiệp giáo dục Thủ đô và đất nước. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Giáo dục Thủ đô luôn dẫn đầu về quy mô và chất lượng. Điều này được thể hiện ở chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, trong học tập, rèn luyện của học sinh cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học; thể hiện ở việc đổi mới phương pháp giảng dạy và các hoạt động ngoài giờ lên lớp của giáo viên. Các thầy cô đã truyền thụ kiến thức và hình thành các năng lực phẩm chất con người Thủ đô thời đại mới”.

Nói về việc dạy thêm, học thêm và lạm thu, Bộ trưởng cho rằng, Thành phố Hà Nội và ngành Giáo dục Thủ đô đã có nhiều hành động quyết liệt nên tình hình đã có chuyển biến, tuy nhiên chưa đẩy lùi hoàn toàn, chưa thay đổi căn bản. Các nhà giáo tiêu biểu là lực lượng xung kích của Thủ đô cần làm tốt việc này ở cơ sở của mình, nhân rộng những kinh nghiệm tốt, góp phần đẩy lùi tình trạng trên, giảm bức xúc của người dân, lấy lại hình ảnh, uy tín cho ngành. Đây cũng là một công việc thiết thực cụ thể theo nghị quyết TW 8 về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo.  

Ảnh minh họa 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 tập thể và 24 cá nhân

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trong phạm vi cả nước, phấn đấu cho mỗi cơ sở giáo dục phổ thông có ngân sách cấp từ nhà nước, đảm bảo 80% chi lương cho giáo viên, 20% cho các hoạt động giáo dục của nhà trường đang là việc khó, không thể thực hiện được ngay mà phải từng bước phấn đấu. Tuy nhiên, Hà Nội không chỉ đảm bảo 80/20 mà đã đảm bảo được 75/25 và 70/30 với các trường THPT. Điều này thể hiện sự quan tâm to lớn của của chính quyền, hệ thống chính trị, nhân dân Thủ đô cho giáo dục.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Niềm vui ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay được nhân lên khi BCH TW Đảng vừa ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Đây là công việc to lớn, nặng nề, vinh dự và cũng là trách nhiệm của toàn ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Để triển khai thành công nghị quyết TW Đảng, ngành giáo dục Thủ đô cần khẩn trương tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết, chủ động xây dựng kế hoạch hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp, thành công đồng thời khắc phục yếu kém để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo lớp người mới đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thủ đô còn có sứ mạng tiên phong, tới đích trước trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện này”.

 

Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cũng khẳng định: “Ngành GD&ĐT Hà Nội có nhiều cố gắng, phát huy truyền thống dạy tốt, học tốt của Thủ đô. Các thầy cô giáo đã không ngừng nỗ lực vươn lên để khẳng định vững chắc vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu về chất lượng giáo dục và đào tạo. Bên cạnh giáo dục văn hóa, chú trọng dạy chữ, ngành GD&ĐT Thủ đô luôn quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Ngành đã triển khai xây dựng “nhà trường thân thiện – học sinh tích cực”, triển khai hiệu quả chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, chương trình giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh Thủ đô”. Các thầy giáo, cô giáo đã tạo được nép đẹp riêng thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô”. 

Ảnh minh họa

Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho 
MN Việt- Bun (Hai Bà Trưng) và 3 HCLĐ hạng Nhất, 5 HCLĐ hạng Nhì cho các tập thể

Chúc mừng trên 200 đơn vị và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động; gần 120 tập thể, cá nhân được tặng cờ thi đua xuất sắc và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; gần 200 đơn vị, cá nhân được UBND Thành phố tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc và bằng khen, Chủ tịch HĐND Thành phố cho rằng những thành tích đó khẳng định các thầy cô giáo Thủ đô xứng đáng sự tôn vinh của xã hội, sự tin cậy của nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp trồng người.

Nhiều tấm gương sáng

 

Tại lễ tuyên dương khen thưởng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã biểu dương những thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua dạy tốt – học tốt của ngành GD&ĐT Thủ đô ở từng cấp học. Giám đốc Sở nhấn mạnh: “Chúng ta cảm ơn và tôn vinh các thầy cô giáo được tuyên dương khen thưởng hôm nay, những người đã có những cống hiến thầm lặng, thực sự là những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo, đã phấn đấu không ngừng cũng như khẳng định trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang của mình”.

Ảnh minh họa

Học sinh Thủ đô tặng hoa Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trong lễ tuyên dương, khen thưởng

Năm học vừa qua, giáo dục mầm non có nhiều đổi mới trong chỉ đạo chuyên môn, triển khai có chất lượng chương trình giáo dục mầm non mới, 29 quận huyện hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Có được những thành tích ấy nhờ sự phấn đấu, lòng nhiệt tình say mê, yêu nghề, mến trẻ của các cán bộ quản lý giỏi, giáo viên giỏi, tiêu biểu là NGƯT Bùi Thị Hải – Hiệu trưởng trường Mẫu giáo MNB Hà Nội, cô giáo Nguyễn Thị Thủy - trường MN Đông Ngạc A (Từ Liêm)… vinh dự được nhận bằng khen của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và của Thành phố.

 

Giáo dục Trung học có nhiều tấm gương nhà giáo sáng tạo, trách nhiệm, phấn đầu rèn luyện chuyên môn, đạt thành tích xuất sắc để có thêm học sinh đỗ thủ khoa đại học, có nhiều học sinh giỏi đạt giải quốc gia và quốc tế. Tiêu biểu như cô giáo Kim Phương Hà, giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đã tích cực tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, kết quả có 1 học sinh đạt HCB quốc tế môn Hóa học năm học 2011 – 2012, năm học 2012 – 2013 có 20 học sinh đạt giải HSG thành phố, trong đó có 4 em đạt giải quốc gia; Cô giáo Đặng Hồng Phượng, giáo viên Toán trường THCS Giảng Võ có tới 43 học sinh trong lớp đạt giải cấp Quận trong cuộc thi HSG các môn văn hóa, 24 em đạt giải cấp Thành phố, trong đó có 4 giải nhất, 11 giải nhì, 8 giải ba, 1 giải KK; Cô giáo Đinh Lê Thị Thiên Nga, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, trong 5 năm liên tục đã bồi dưỡng được 66 học sinh đạt giải thi HSG cấp Thành phố, 11 em đạt giải HSG quốc gia; Cô Vũ Việt Hoa, trong 5 năm bồi dưỡng được 43 em đạt giải HSG thành phố, 19 em đạt giải HSG quốc gia; Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giáo viên Địa lý trường THPT Trần Nhân Tông có 15 HSG thành phố, 1 HS đạt giải Quốc gia; Cô giáo Nguyễn Phương Thanh, giáo viên THPT Chu Văn An đã hướng dẫn 2 nhóm học sinh dự thi Hội thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh phổ thông với 2 đề tài, kết quả 1 đề tài đạt giải Nhất quốc gia được dự thi quốc tế, 1 đề tài đạt giải Nhì quốc gia. Ngoài ra cô còn có nhiều học sinh đạt giải Thành phố, quốc gia, khu vực...

Ảnh minh họa

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi trao HCLĐ hạng Ba cho 15 cá nhân

Giám đốc Sở cũng đã biểu dương những cán bộ quản lý đóng góp vào những thành tích của ngành Giáo dục chuyên nghiệp như thầy Nguyễn Tuấn Minh (HT trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội), cô Bùi Thị Sáu (Phó hiệu trưởng trường Trung cấp kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long), thầy Phạm Đức Thăng (HT trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội), thầy Lê Đình Xương (HT trường Trung cấp Bách Nghệ Hà Nội), các nhà giáo tiêu biểu như cô giáo Ngô Thanh Hà, cô giáo Nguyễn Phương Thảo, trường Trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Thành phố” năm 2012.

Biểu dương những thành tích của ngành Giáo dục Thường xuyên, Giám đốc Sở khen ngợi thầy giáo Hoàng Công Cường, giáo viên Trung tâm GDTX Ba Đình đã không ngại khó, sáng tạo trong công tác quản lý, xứng đáng là cán bộ giỏi, mẫu mực.

Giám đốc Sở Nguyễn Hữu Độ cũng đã biểu dương sự đóng góp tích cực, thầm lặng của đội ngũ thầy cô giáo các trường chuyên biệt như PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Xã Đàn, TH Bình Minh không ngại khó để dạy dỗ học sinh, phấn đầu thực hiện tốt mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật và trẻ em thiệt thòi.

 

Tạp chí Giáo dục Thủ đô

Ý kiến bạn đọc