Sản phẩm của giáo dục là tương lai dân tộc

Thứ bảy, ngày 24 tháng 11 năm 2012 | 19:42
Share

39 Shares

“Sản phẩm của giáo dục, dạy học là con người, là tương lai của dân tộc. Vì vậy không được phép tạo ra phế phẩm..." - ý kiến này của Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng bộ Giáo dục đã cho thấy vai trò to lớn của người thầy.

 

 Ảnh học sinh Kim Liên trong giờ ngoại khóa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục thì không có cán bộ. Không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế hay văn hoá”.

 Đó chính là vinh dự của nghề giáo. Nhưng đi kèm với đó cũng là trọng trách lớn lao, là áp lực đối với mỗi một thầy cô và nghề giáo.        

Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng bộ Giáo dục cho rằng: “Sản phẩm của giáo dục, dạy học là con người, là tương lai của dân tộc. Vì vậy không được phép tạo ra phế phẩm. Một công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, nhưng một giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ…”.

 Đề án đổi mới giáo dục mà Bộ Giáo dục Đào tạo mới đưa ra, bên cạnh ý kiến bàn luận của các nhà chuyên môn, còn có rất nhiều ý kiến tâm huyết của người dân. Một trong những nội dung được quan tâm nhất là vai trò của người thầy.

 Trong vài năm trở lại đây, những vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục, bệnh thành tích như vụ tiêu cực điển hình ở Đồi Ngô (Bắc Giang), nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức người thầy đang đặt ra những vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ.

 Cuộc gặp gỡ của hơn 500 cựu giáo chức Việt Nam nhân ngày 20/11 cũng là dịp các thầy, cô ôn lại những kỷ niệm ngày còn đứng trên bục giảng. Nhưng ẩn sâu trong những ánh mắt, mái đầu đã “thất thập cổ lai hy” vẫn còn nhiều trăn trở với nghề.

 Dù đã trải qua nhiều biến động của thời gian, dù vai trò của người thầy trong quan niệm của người Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi, nhưng vị trí của người thầy sẽ vẫn mãi là chỗ dựa cho các thế hệ học sinh trước đây, hôm nay và cả mai sau.

 

Tác giả : Quang Hạnh

 

 

Ý kiến bạn đọc