Nhớ lại thửa đầu yêu dấu ấy

Chủ nhật, ngày 19 tháng 11 năm 2017 | 20:18
Share

39 Shares

Nhớ lại 3 năm trước, trong một lần làm việc với Ban thường vụ Hội CMHS nhà trường, thầy giáo hiệu trưởng Nguyễn Thiết Sơn đề xuất: “Nguyện vọng của các thầy cô giáo là không phải tự đứng ra tổ chức các hoạt động chào mừng ngày nhà giáo 20/11, theo kiểu tự chúc mừng nhau. Không hiểu các bác phụ huynh có đứng ra tổ chức được không nhỉ?”. Một câu hỏi tưởng chừng như rất dễ nhưng lại là cực khó bởi Hội CMHS nhà trường, quy mô là vậy nhưng lại chỉ là tổ chức không pháp nhân, không trụ sở. Làm việ chủ yếu bằng uy tín… Nhưng cảm nhận được mong muốn của các thầy cô và là dịp tri ân nhà trường đã dành nhiều công sức dạy dỗ con em mình, chúng tôi quyết tâm đảm nhận.

Vạn sự khởi đầu nan

Nói thì dễ, làm mới khó. Đầu tiên là phải sắm sửa bộ loa đài dành cho văn nghệ, loa đài của trường chỉ sử dụng phát biểu, không hát được. Kế tiếp là Hội phụ huynh nhà trường phải làm việc với Đoàn trường để thống nhất chương trình, kịch bản chi tiết. Theo thống nhất với Ban giám hiệu nhà trường, học sinh các CLB, các lớp đảm nhận 90 phút, cha mẹ phụ trách phần lễ và văn nghệ 45 phút.

Đầu tháng 11 năm 2015, Ban thường vụ Hội CMHS trường phân nhiệm vụ cho từng khối, thông qua các lớp triệu tập các phụ huynh có năng khiếu văn nghệ để tập tành. Việc tập trung tổng duyệt cực kỳ khó khăn, được bác này, mất bác khác…bởi “múi giờ” làm việc của các phụ huynh khác nhau. Nếu như phần do Đoàn trường đảm nhận khá trôi chảy thì nỗi lo vỡ chương trình phần do bố mẹ thực hiện lại hiện hữu hơn bao giờ hết. Vất vả kết nối, vất vả chọn tiết mục, vất vả chọn lựa.

Tôi đã từng làm đạo diễn, MC của nhiều chương trình vài trăm người của Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC nhưng chưa bao giờ chịu trách nhiệm 1 buổi lễ kiểu “truyền hình thực tế”. Phải đến tận 21 giờ của ngày 19/11/2015 tôi mới viết xong lời dẫn chi tiết, thống nhất khung cơ bản…dù có tiết mục “đạo diễn” chưa gặp “diễn viên”. Phút cuối, tôi hội ý với cô Hiền- Phó hiệu trưởng nhà trường: “Phần phụ huynh chỉ cần 6 tiết mục, những chúng tôi chuẩn bị dư thêm 2,3 tiết mục nữa và đề nghị giao tôi toàn quyền quyết định trên sân khấu”.

Dấu ấn

Hơn 2 giờ chương trình Lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Năm năm ấy diễn ra trôi chảy, thực sự gây ấn tượng mạnh trong lòng các thầy, cô giáo Kim Liên. Phải đến khi chương trình khép lại, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm bởi đằng sau cánh gà sân khấu bao trục troặc do không ráp thử được chương trình. Đầu tiên là có mấy bác phụ huynh tham gia biểu diễn khai mạc, đi lạc tận trường tiểu học Kim Liên. Có tiết mục chuẩn bị đến giờ ra sân khấu, phụ huynh năn nỉ: “Bác cho tôi đổi tiết mục, bài này mới xứng đáng với lễ lớn như thế này?!!!”, tiết mục của các thầy cô giáo tham gia lại quên đạo cụ, phải lùi lại chờ… Rồi việc không được xếp biểu diễn khai mạc, các bác phụ huynh khối 12 năm ấy “dỗi”, sau thấy chương trình thích quá, phút 89 lại yêu cầu: “Cho chúng tôi tham gia chốt hạ, bởi không còn cơ hội!!!”…Ai cũng thấy, không được xuất hiện trong buổi lễ hoành tráng như thế là một “thiệt thòi”.

Phải nói, ngoài việc Ban tổ chức đã rất linh hoạt trong khâu điều chỉnh, thay đổi để không để sân khấu bị “đứng hình” thì các “nghệ sĩ phụ huynh” Kim Liên thực đa tài. Bát hát “Bài ca người giáo viên nhân dân” của nhạc sĩ Hoàng Vân khó hát thế, đến nghệ sĩ chuyên nghiệp còn ngại nhưng các bố mẹ “giải quyết ngon lành”. Lớp 11A4 năm ấy, đưa nguyên dàn các mẹ, từ đạo cụ, trang điểm, dàn múa minh họa…không khác gì đoàn nghệ thuật cấp tỉnh. Ngồi ở ghế đại biểu, thầy giáo Nguyễn Thiết Sơn đã bước lên sân khấu, bằng giọng hát cao vút của mình, hòa mình vào ngày vui của nhà trường. Một biểu lễ mà học sinh, phụ huynh bằng hết khả năng của mình bày tỏ tình cảm với các thầy cô giáo, trên sân khấu lúc sâu lắng, lúc dồn dập, lúc trữ tình.

Vĩ thanh

Sau thành công năm đầu, những năm sau Ban thường vụ Hội CMHS nhà trường đều đứng ra tự tổ chức hoạt động thường niên này. Có năm, Hội CMHS nhà trường còn mới Ban thời sự VTV1 về ghi hình và phát vào bản tin thời sự lúc 12 giờ. Tôi từng tham gia làm trưởng ban Hội CMHS nhà trường, trực tiếp thực hiện khá nhiều hoạt động khác nhau nhưng Lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2015 thực sự là một kỷ niệm đẹp, nghĩ lại có đôi chút liều. Nhưng có lẽ, cảm nhận được tình cảm của gần 2000 phụ huynh dành cho các thầy cô, mọi người đã bỏ qua những thiếu sót, nếu có.

 

                                                                    Nhà báo Nguyễn An Thanh

                                                  (Nguyên trưởng ban đại diện Hội CMHS trường)

Ý kiến bạn đọc