Dạy kỹ năng sống nói chung và kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh đang là một yêu cầu cấp bách, đòi hỏi nền giáo dục nước nhà có những thay đổi cần thiết trong nội dung và phương pháp truyền thụ kiến thức. Thay đổi để có những lứa học sinh ra trường vững vàng về kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, sáng tạo…, đáp ứng tốt nhất sự phát triển bền vững và mạnh mẽ của đất nước trong tương lai.
|
TS. Phạm Phương Luyện, chuyên gia GD cao cấp |
UNESCO đã đề xướng mục đích học tập: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".
Ngân hàng Thế giới gọi thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng. Năng lực của con người được đánh giá trên cả 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Các nhà khoa học thế giới cho rằng: để thành đạt trong cuộc sống thì kỹ năng mềm (trí tuệ cảm xúc) chiếm 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15%.
Phóng viên báo GD&TĐ online có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Phương Luyện, Nguyên Chủ nhiệm Khoa ngôn ngữ và văn hóa Anh - Mỹ, ĐH Ngoại Ngữ - ĐHQG Hà Nội xung quanh vấn đề này.
PV: Hiện nay, khi tầm quan trọng của việc trau dồi các kỹ năng sống được đánh giá đúng, không khó để tham gia các lớp đào tạo kỹ năng tại các trung tâm. Vậy tại sao việc dạy Kỹ năng thế kỷ 21 vẫn được xem là một thách thức tại các nhà trường, thưa ông?
TS. Phạm Phương Luyện: Chúng ta đã bước vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 nhưng nhà trường chúng ta vẫn đang gặp nhiều rào cản khi thực hiện mô hình giáo dục mới. Một phần có thể là do nhận thức, một phần khác là do thói quen cũ, và cũng có thể là do cơ chế giáo dục truyền thống cũng đã mang lại những thành công nhất định.
Nhiều người còn chưa thống nhất được câu trả lời cho câu hỏi “Khoa học kỹ thuật đã thay đổi cơ bản đời sống chúng ta, vậy liệu nó có đương nhiên dẫn đến sự thay đổi về quan điểm giáo dục, triết lý giáo dục của chúng ta không”?. Chính vì thế mà việc dạy kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh trong nhà trường của chúng ta, bản thân nó đã là một thách thức.
PV: Những thay đổi căn bản nào của xã hội là nhân tố chính khiến chủ nhân của thế kỷ mới phải thay đổi để thích nghi?
TS. Phạm Phương Luyện: Một điều hiển nhiên là cuộc sống của chúng ta đã thay đổi về chất trong thế kỷ 21. Chúng ta đang sống trong một thế giới “không biên giới”. Các khái niệm về không gian và thời gian trở nên không thành vấn đề lớn như xưa nữa. Chúng ta đang sống với các công cụ mà sức mạnh của nó đem lại sự diệu kỳ và vô biên ngoài sức tưởng tượng của tiền nhân chúng ta ở thế kỷ trước.
Với máy vi tính, với điện thoại di động, điện thoại thông minh,.. và rất nhiều hệ thống ứng dụng khác, biến thế giới của ta thành thế giới số, vừa tiện lợi, vừa hữu hiệu. Tất cả những công cụ số này đã thay đổi lối sống của thế hệ chúng ta, thay đổi cách chúng ta ăn ở và làm việc, thay đổi thách thức chúng ta sản xuất và tiêu dùng, thay đổi hành vi ứng xử của chúng ta, tức là cả những thói quen và nền tảng văn hóa.
Công nghệ số, cũng thay đổi thách thức chúng ta giao tiếp với nhau. Có thể chúng ta gặp nhau trên các phương tiện này nhiều hơn là gặp nhau ngoài cuộc sống.
Cách thức chúng ta vui chơi giải trí cũng đã rất khác. Cách thức chúng ta mua bán cũng thay đổi rất nhiều.
Cách thức học tập của chúng ta cũng khác, chúng ta có thể học trực tuyến, nộp bài tập về nhà trên mạng, thi trên mạng và thực hiện nghĩa vụ học tập trên mạng.
Cách thức người nông dân trang trại làm ruộng bây giờ cũng khác.
Nói chung thế giới chúng ta đang sống với công nghệ mới, tác động từng ngày, từng giờ và thay đổi gần như mọi nhu cầu của chúng ta, cho dù bạn bao nhiêu tuổi và thuộc tầng lớp nào trong xã hội. Tất cả đều đứng trước thử thách của thay đổi và thực sự đã thay đổi.
PV: Trước những thay đổi mạnh mẽ như vậy, theo Tiến sĩ, ngành GD cần làm gì để sản phẩm GD bắt
kịp những thay đổi đó?
TS. Phạm Phương Luyện: Thực tế cho thấy, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều đã thay đổi với mức độ chóng mặt, thì có một lĩnh vực gần như chưa có nhiều thay đổi lắm. Đó là phương thức chúng ta giáo dục thế hệ trẻ. Giáo dục của chúng ta nói chung vẫn gần như những gì đã xảy ra cách đây một thế kỷ và đặc biệt những người làm công tác quản lý giáo dục vẫn đang chủ trương vận hành giáo dục theo cách thức mà chính họ đã được giáo dục thời thế kỷ 20.
Hậu quả của cách thức giáo dục có ít thay đổi này, đang hiển hiện ở khắp nơi. Người chủ sử dung lao động kêu ca học sinh tốt nghiệp ra trường chưa đủ khả năng làm việc. Đa phần phải chấp nhận đào tạo lại, hoặc làm ngành nghề khác có yêu cầu thấp hơn. Và chính học sinh tốt nghiệp cũng kêu ca, than phiền về khả năng của họ. Họ là người biết rõ nhất họ đang thiếu những gì, kỹ năng gì để không tìm được việc, không giữ được việc, bị thất nghiệp, hoặc bị đuổi việc.
Đó cũng chính là một trong những lý do Việt Nam ta thường kêu thừa thầy, thiếu thợ. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thì có tới 50% số người lao động chưa kinh qua đào tạo kỹ năng nghề nghiệp.
Dư luận xã hội các nước đã cảnh báo nhiều về vấn đề này. Ở Mỹ các báo lớn như Tờ Time đã phải chua chát: “Đây là câu chuyện về số liệu cả một thế hệ trẻ có thành đạt hay không khi tham gia vào thị trường lao động mang tính toàn cầu, vì họ không có khả năng tư duy đối với những vấn đề trừu tượng, không thể hợp tác làm việc với nhau được, không phân biệt được đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu. Họ cũng không thể nói được một thứ tiếng nào khác hơn là tiếng mẹ đẻ.”
Đối với chính phủ Mỹ, ngay cả Tổng thống Mỹ cũng phải thốt lên “Tôi kêu gọi cả nước Mỹ chúng ta…hãy chuẩn hóa giáo dục và sử dụng hệ thống kiểm tra đánh giá thế nào để không chỉ yêu cầu học sinh điền đúng thông tin, hay chọn câu trả lời đúng, mà còn phải dạy cho họ các kỹ năng của thế kỷ 21, như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phê phán, kỹ năng kinh doanh và sáng tạo.”
|
TS. Phạm Phương Luyện báo cáo tại Hội thảo "Kỹ năng học tập thế kỷ 21 tại khu vực Đông Nam Á”, mới diễn ra tại Hà Nội |
PV: Tiến sĩ có thể cho biết quan điểm về GD kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh Việt Nam hiện nay?
TS. Phạm Phương Luyện: Cần phải thay đổi cách thức giáo dục của chúng ta theo hướng dạy kỹ năng thế kỷ 21 là vì, chương trình GD hiện hành vẫn là kiểu chương trình của thế kỷ 20, nặng về kiến thức, trong khi đó đòi hỏi của thị trường lao động đã hoàn toàn khác.
Thực tế chỉ ra rằng, nếu không tăng cường kỹ năng tư duy, tương tác và phân tích trong chương trình giảng dạy, thì học sinh ra trường, sẽ không kiếm được công ăn việc làm.
Chuỗi công ăn việc làm có giá trị kinh tế cao được P.21 công bố năm 2007 cũng cho thấy, những công việc cần đến kỹ năng sáng tạo cao, đang có khuynh hướng chuyển về các nước có nền kinh tế, công nghiệp phát triển. Gần như toàn bộ công việc lắp ráp, thủ công có thể làm bằng tay hay bằng máy đều chảy sang các nước kém phát triển.
Chính vì thế nếu các trường muốn thực hiện được chức năng đào tạo, giáo dục của mình thì nhất thiết phải cung cấp cho người học những chương trình, khóa học để đào tạo học sinh thành người lao động đáp ứng được yêu cầu của công việc hiện nay với một tập hợp các kỹ năng phức tạp, chuyên môn sâu, sáng tạo và cả những công việc sẽ xuất hiện trong 10 hay 15 năm nữa.
Cốt lõi nhất vẫn là khả năng nắm bắt được kiến thức một cách nhanh nhất để rồi vận dụng ngay được kiến thức đó trong công việc, và kỹ năng xử lý vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng sử dụng công nghệ và kỹ năng sáng tạo. Đây chính là tập hợp kỹ năng thế kỷ 21.
Lớp kiến thức văn hóa và Lớp kỹ năng phải được trau dồi song song trong quá trình học tập và rèn luyện tại các nhà trường.
Lớp kỹ năng gồm ba loại, biết phương pháp học tập, và biết học tập sáng tạo thông quá rèn luyện tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, đổi mới, sáng tạo; biết giao tiếp và biết làm việc theo nhóm tổ.
Loại kỹ năng thứ hai là biết sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông. Đây là những công cụ cần thiết để thực hiện công việc cũng như cuộc sống.
Loại kỹ năng thứ ba, gói gọn lại là văn hóa ứng xử, văn hóa làm người. Con người lao động trong thế kỷ 21 phải vừa năng động sáng tạo vừa có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng xã hội.
Mô hình giáo dục mà Singapore, nhiều bang ở Mỹ, Anh, Úc, Phần Lan và một vài nước khác nữa đang áp dụng là Mô hình cân bằng. Ví dự như: Người dạy truyền thụ kiến thức – Người học trao đổi, tương tác; Người dạy sử dụng SGK – Người học tham khảo trên mạng Internet; Người dạy học tại trường – Người học, học suốt đời,…
Ở Mỹ hiện nay có tới 14 bang đang chuyển hướng theo mô hình GD cân bằng và GD kỹ năng TK 21.
Đó là những bài học cụ thể và sinh động về tầm quan trọng và tính bức thiết của vấn đề dạy kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh của một số nước phát triển mà Việt Nam cần tham khảo, học hỏi để từng bước hoàn thiện chương trình. Ngành GD-ĐT nước ta cũng đã có những động thái tích cực, trên đà phát triển, mạnh mẽ và quyết liệt với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện nền GD. Đó là tín hiệu đáng mừng, làm nhân lên hi vọng về sự toàn năng và làm chủ thế giới của những lứa học sinh tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.
Bảo Minh (thực hiện)